Tây Ninh – một tỉnh nhỏ nằm phía tây nam của vùng Đông Nam Bộ, đóng vai trò là cửa ngõ giao lưu quan trọng giữa Việt Nam và nước bạn Cam-pu-chia vốn được biết đến là vùng đất của văn hóa và tôn giáo với nhiều điểm nhấn tín ngưỡng đặc sắc. Được xây dựng trên nền móng lịch sử lâu đời, Tây Ninh có vô số di tích, danh thắng đẹp và thu hút.
Nằm ở vị trí tiếp nối giữa cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long nên địa hình Tây Ninh có sự kết hợp hài hòa của hai hình thế: vừa mang dáng dấp của một vùng cao nguyên hoang vu, lại vừa có những đặc điểm của vùng đồng bằng. Không chỉ vậy, Tây Ninh còn là một tỉnh biên giới với hai cửa khẩu quan trọng là Mộc Bài và Xa Mát, có ý nghĩa to lớn đối với việc thúc đẩy giao thương và du lịch nhằm phát triển kinh tế.
Khí hậu Tây Ninh cũng tương tự với các tỉnh thành phía Nam khác với hai mùa rõ rệt: Mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình dao động ở ngưỡng 26 27 độ C và chỉ dao động nhẹ. Dù vậy, vùng đất này vẫn rất dồi dào nắng nhưng không gay gắt. Thêm một thuận lợi nữa về điều kiện tự nhiên ở Tây Ninh là do địa hình nằm sâu trong lục địa nên thường không chịu ảnh hưởng của bão biển. Đây cũng là ưu thế giúp cho Tây Ninh phát triển và đa dạng hóa các ngành nông nghiệp.
1.Giao thông đi lại
Tây Ninh chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh chưa đầy 100 km nên rất thuận tiện nếu như muốn đi và về ngay trong ngày. Giá vé chỉ từ 60.000-80.000 đồng cho một người và có rất nhiều tuyến xe chạy 2 chiều TP. HCM – Tây Ninh. Hơn nữa, vì địa hình nơi đây khá bằng phẳng nên ngoài phương tiện là ô tô khách, du khách ở các tỉnh lân cận cũng có thể lựa chọn đi lại bằng xe máy.
2. Các địa điểm du lịch Tây Ninh
2.1 Tòa thánh Tây Ninh
Hay còn được biết đến với tên gọi khác là Đền Thánh, nằm cách thành phố Tây Ninh chỉ 4 km về phía đông nam . khu vực này là thánh địa của đạo Cao Đài và tòa thánh Tây Ninh chính là một cụm công trình gồm nhiều kiến trúc tôn giáo của đạo này. Trên nền diện tích rộng 1 km vuông, tòa kiến trúc này được thiết kế mang đậm phong thái tín ngưỡng Cao Đài với nhiều hàm ẩn về tư tưởng, triết lý và cả huyền học.
Về mặt kiến trúc tổng thể, Đền Thánh mang hình tượng long mã bái sư với mặt tiền hướng về phía tây. Giữa hai lầu chuông và lầu trống là tầng trệt tòa nhà có tên là Tịnh Tâm Đài và tầng hai với tên gọi Phi Tưởng Đài. Một điều khá đặc biệt là tòa thánh này được xây dựng bằng bê tông cốt tre mà vẫn giữ được độ chắc chắn, sừng sững oai nghiêm. Ghé thăm địa danh này du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều kiểu kiến trúc bắt mắt khác.
2.2 Khu du lịch Ma Thiên Lãnh
Một kỳ quan nhỏ vô cùng hấp dẫn với nhiều hình thế, từ thung lũng, hang động, vách đá cho đến cả dòng suối lấp lánh dưới ánh mặt trời… Tất cả hợp lại tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình, vừa hoang dại mà cũng rất đỗi mộng mơ. Giữa khung cảnh mây trời lồng lộng, từ trên cao nhìn xuống là núi đồi trập trùng, dòng suối lấp lánh ánh bạc, thêm vào tiếng chim ca ríu rít thì còn gì tuyệt vời hơn là được đắm mình trong thiên nhiên. Ấy vậy mà để chinh phục được thung lũng xinh đẹp này không phải là một điều dễ dàng bởi những con dốc, cung đèo cheo leo nhưng lại thôi thúc bước chân của những phượt thủ để họ vượt qua thử thách này.
2.3 Núi Bà Đen
Núi Bà Đen, hay núi Vân Sơn có độ cao 936 m, thuộc quần thể di tích văn hóa – lịch sử nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh. Sở dĩ được gọi bằng cái tên Vân Sơn bởi ngọn núi này quanh năm mây phủ. Từ lâu ngọn núi này đã trở thành mục tiêu chinh phục của nhiều người yêu khám phá. Bởi cảnh tượng nhìn ra từ đỉnh núi rất đẹp mà du khách đến đây ngoài mục đích leo núi còn muốn được ngắm cảnh hoàng hôn nhuộm đỏ sắc trời. Bởi vậy mà thời điểm lý tưởng để leo núi là ban ngày, bắt đầu từ buổi sáng. Ngày nay, để phục vụ du lịch, núi Bà Đen đã có hệ thống cáp treo.
2.4 Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát
Vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát thuộc vùng sinh thái nông nghiệp Đông Nam Bộ, trải dài trên địa phận 3 xã Tân Lập, Tân Bình và Hòa Hiệp của huyện Tân Biên. Địa danh này từng được sử dụng làm căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đến năm 2002, từ một rừng đặc dụng, Lò Gò – Xa Mát được công nhận là rừng Quốc gia với tổng diện tích là 18 765 ha. Đây là khu vực có rừng che phủ lớn nhất tại Tây Ninh và trở thành mái nhà chung của nhiều loài động vật với nhiệm vụ chính là bảo tồn các giá trị sinh học.
2.5 Hồ Dầu Tiếng
Là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hồ Dầu Tiếng có không gian vô cùng trong lành và khoáng đạt. Mặt hồ tĩnh lặng và xanh biếc, điệp với màu của trời. Giữa hồ là những ốc đảo nhỏ như một nét chấm phá cho bức tranh sơn thủy hữu tình. Đây là một điểm đến phù hợp cho những ai yêu thích sự giản đơn và an tĩnh.
3. Ăn gì ở Tây Ninh
3.1 Bánh canh Trảng Bàng
Được chế biến từ sợi bánh trắng trong có vị bùi bùi nấu với nước dùng của chân giò hoặc thịt nạc heo ngọt và đậm đà, bánh canh Trảng Bàng đã trở thành một thương hiệu có tiếng vang. Nếu đã thưởng thức một lần món bánh canh ở đây hẳn du khách sẽ không thể nào quên được vị thơm của hành, cay cay của tiêu, ngọt của nước hầm và những thớ thịt mềm trong một tô canh đầy đặn
3.2 Ốc xu Núi Bà
Những con ốc có hình dạng dẹt, nhỏ hơn ốc bươu và tròn trịa được luộc lên hoặc có thể được chế biến theo nhiều phương pháp như nướng, hấp xả, xào me… có vị thanh ngọt, giòn dai. Đây còn được coi là một món ăn bổ dưỡng với công dụng chữa nhức mỏi rất hữu hiệu.
Comentarios