Cẩm nang du lịch An Giang
top of page
Search

Cẩm nang du lịch An Giang

An Giang là tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, một phần trong vùng tứ giác Long Xuyên. Tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, có sông Tiền và sông Hậu chảy qua. Đường biên giới dài gần 100 km giáp Campuchia.


1.An Giang mùa nào đẹp

  • Từ tháng 3 đến tháng 5, An Giang trong mùa nắng khô ráo. Nếu muốn ngắm thảm bèo cũng như thế giới tự nhiên xanh mát ở rừng tràm Trà Sư vào mùa nước nổi, bạn nên đi vào tháng 10 và 11. Cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, bạn có thể chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín vào mùa gặt ở Tà Pạ.

  • Vào tháng 4 hay tháng 8 âm lịch là thời gian diễn ra hai lễ hội lớn gồm hội bà Chúa Xứ núi Sam (23 - 27/4 âm lịch) và lễ hội đua bò cuối tháng 8. Các tháng 7 - 8 có mưa khá nhiều nên bạn cần mang theo ô và trang phục phù hợp.


2. Di chuyển

  • Nếu di chuyển bằng đường hàng không, sân bay ở TP HCM và Cần Thơ là điểm đến gần nhất, sau đó du khách đi xe khách đến thành phố Long Xuyên hoặc thành phố Châu Đốc thuộc An Giang.

  • Chuyến bay đến Cần Thơ do Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air khai thác từ Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Đà Lạt, Thanh Hóa có giá thấp nhất khoảng một triệu đồng một chiều.

  • Xe khách từ TP HCM đi Long Xuyên và Châu Đốc có giá 170.000 - 200.000 đồng một lượt, từ Cần Thơ vé xe khoảng 100.000 đồng một lượt nhưng rất ít chuyến.

  • An Giang cách TP HCM khoảng 250 km, du khách có thể chạy xe máy hoặc ôtô nếu muốn chủ động về lộ trình và tự do nghỉ dọc đường. Di chuyển theo quốc lộ 1 đến ngã 3 An Thái Trung (chợ An Hữu), rẽ phải rồi qua phà Cao Lãnh đi theo bờ sông Tiền đến Chợ Mới. Sau đó, bạn qua phà Thuận Giang cập bờ sông Hậu tới phà Năng Gù, chạy tiếp quốc lộ 91 khoảng 30 km là tới núi Sam.

  • Để tham quan, xe máy, ô tô cá nhân và taxi là những hình thức di chuyển linh hoạt nhất. Giá thuê xe máy khoảng 100.000 - 150.000 đồng một ngày.


3.Chơi ở đâu


Các điểm tham quan đẹp ở An Giang cách xa nhau. Sau đây là các điểm đến gợi ý cho du khách khám phá trong hai ngày.


3.1 Chợ nỗi Long Xuyên

  • Nằm gần trung tâm thành phố Long Xuyên, chợ nổi có từ xa xưa vẫn còn giữ nguyên nếp sinh hoạt. Du khách có thể thuê thuyền với giá từ 200.000 đồng để khám phá chợ, thưởng thức bữa sáng trên sông.


3.2 Rừng tràm Trà Sư

  • Đây là một trong những rừng tràm lớn và đẹp nhất miền Tây. Trải nghiệm thú vị ở rừng tràm là đi thuyền xuyên rừng được phủ xanh hút tầm mắt bởi thảm thực vật. Vé tham quan rừng tràm có giá 190.000 đồng một khách lẻ. Nếu đi theo đoàn từ 7 người trở lên, giá vé còn 95.000 đồng mỗi người


3.3 Hồ Ô Thum

  • Khu hồ nhân tạo có không gian mát mẻ, là nơi bán nhiều đặc sản gà núi nướng lá chúc. Sau khi thăm rừng tràm, du khách ghé hồ Ô Thum để nghỉ chân dùng bữa trưa.

3.4 Chùa Lầu (Phước Lâm Tự)

  • Tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, ngôi chùa có kiến trúc Á Đông được xây thành nhiều lầu, có màu sơn đỏ và nét trang trí tạo vẻ cổ kính.

3.5 Núi Sam

  • Thành phố Châu Đốc có Núi Sam (Vĩnh Tế Sơn), từ đỉnh núi có thể nhìn toàn cảnh Châu Đốc và Kênh Vĩnh Tế. Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa và miếu, trong đó nổi tiếng nhất là Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền...

3.6 Chùa Tây An (Tây An Cổ Tự)

  • Chùa Tây An nằm ở chân núi Sam (xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc) xây dựng vào năm 1847, mang dáng dấp của một công trình kiến trúc Ấn Độ. Ngôi cổ tự đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây cũng là ngôi chùa mang kiến trúc Việt kết hợp với Ấn Độ đầu tiên ở Việt Nam.


3.7 Chợ Châu Đốc

  • Chợ nằm ở trung tâm thành phố Châu Đốc, bán các đặc sản địa phương chế biến ngay tại chỗ và mua về, với rất nhiều sạp bán mắm và khô đủ loại. Nếu là lần đầu tiên về miền Tây, đừng bỏ qua chợ Châu Đốc với những trải nghiệm thú vị về cuộc sống của người dân vùng nước nổi.

3.8 Chợ Tịnh Biên

  • Khu chợ có bán nhiều đặc sản miền Tây mùa nước nổi, một số mặt hàng của Thái Lan, Campuchia. Chợ Tịnh Biên còn mang nét giao lưu văn hóa của người Việt, người Khmer.

3.9 Búng Bình Thiên

  • Cách Châu Đốc 25 km, hồ nước ngọt Búng Bình Thiên mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu) thuộc huyện An Phú. Búng rất đẹp vào mùa nước nổi với sắc vàng bông điên điển xen giữa sắc xanh lục bình. Xung quanh búng là ngôi làng Chăm còn vẹn nguyên những giá trị văn hóa xưa.


3.10 Làng người Chăm

  • Làng Châu Giang là nơi người Chăm tập trung sinh sống, cách thành phố Châu Đốc khoảng 10 phút đi phà. Tại đây, du khách hãy đến tham quan các thánh đường Hồi giáo, những ngôi nhà truyền thống và thưởng thức các món ăn độc đáo của người địa phương.

3.11 Cánh đồng Tà Pạ

  • Nằm ở huyện Tri Tôn, cánh đồng Tà Pạ như một tấm thảm rộng lớn, điểm xuyết những hàng thốt nốt hiên ngang giữa trời xanh. Hồ Tà Pạ - dấu vết còn sót lại của khu vực khai thác đá trên đỉnh đồi mang vẻ đẹp thơ mộng, phẳng lặng như tranh thủy mặc.


3.12 Thất Sơn

  • Còn gọi là Vùng Bảy Núi, Thất Sơn là 7 ngọn núi tiêu biểu trong 37 ngọn núi ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Núi Cấm có độ cao 705 m, chiếm chu vi 28.600 m, là ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn, có phong cảnh đẹp. Trên núi có: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, Cao Đài Tự...


3.13 Lăng Thoại Ngọc Hầu

  • Ông đã có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, đào kinh đắp đường phát triển và bảo vệ vùng đất Tây Nam. Các công trình lớn của ông để lại cho đời sau là:

  • Đắp lộ Núi Sam – Châu Đốc dài 5 cây số trong năm 1826-1827 huy động gần 4.500 nhân công. Đoạn nằm trong nội ô TP.Châu Đốc hiện nay vẫn còn mang tên ông.

  • Đào kinh Thoại Hà dài hơn 30.000 mét ở Núi Sập (Thoại Sơn) vào năm 1818 với gần 1.500 nhân công. Thoại là tên ông được triều đình lấy đặt cho tên núi, tên sông.

  • Đào kinh Vĩnh Tế dài theo biên giới tây nam nối liền Châu Đốc – Hà Tiên. Nối lưu thông sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan dài hơn 90 cây số, huy động trên 80.000 nhân công thực hiện từ 1819-1824. Tên phu nhân Thoại Ngọc Hầu được đặt cho con kinh chiến lược này: Vĩnh Tế. (Bà tên thật là Châu Thị Tế nhưng thuộc dòng Châu Vĩnh).


3.14 Miếu Bà Chúa Xứ

  • Tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Miếu Bà Chúa Xứ có rất nhiều truyền thuyết huyền bí xung quanh hoàn cảnh ra đời của ngôi miếu, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

  • Châu Đốc, một địa danh gắn liền với sự linh thiêng với thế phong thủy tiền tam giang, hậu thất sơn và huyền bí cùng nhiều tín ngưỡng tôn giáo tồn tại từ lâu đời. Nhắc tới mảnh đất này, người ta không thể không nhớ tới Miếu Bà Chúa XứNúi Sam là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ ở miền Tây Nam Bộ, mà ngay cả người Việt ở nước ngoài vẫn biết đến.

  • Với sự linh thiêng và ứng nghiệm, cầu được ước thấy khiến Miếu Bà hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, cúng viếng, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về góp phần phát triển ngành du lịch An Giang.

  • Theo truyền thuyết kẻ lại, cách đây khoảng 200 năm, người dân địa phương tại Châu Đốc đã phát hiện ra tượng Bà ở trên đỉnh núi Sam và muốn đưa xuống. Tuy nhiên, mấy chục thanh niên cường tráng định khiêng tượng Bà nhưng không được. Sau đó qua miệng bà “cô Đồng” bảo chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng xuống. Nhưng đến chân núi thì tượng Bà bất ngờ nặng trịch không thể đi nữa. Người dân nghĩ Bà chọn nơi đây để an vị ở đây và đã lập miếu tôn thờ.

  • Một truyền thuyết khác liên quan đến ngôi miếu này, đó là nói về công lao ông Thoại Ngọc Hầu. Khi ông đi dẹp giặc ngoại xâm ở biên giới, bà Châu Thị Tế đã khấn vái Bà Chúa Xứ phù hộ ông dẹp yên giặc, gìn giữ xóm làng bình yên. Để tạ ơn những điều linh nghiệm, ông Thọai Ngọc Hầu cho thỉnh Bà từ trên đỉnh núi Sam về xây một ngôi miếu khang trang dưới chân núi và chọn ngày 24.4 là ngày cúng lễ Bà.


4. Khách sạn, homestay

  • Khách sạn, nhà nghỉ ở An Giang chủ yếu tập trung ở núi Sam, khu vực chợ Châu Đốc và Long Xuyên. Khu vực núi Sam khách sạn, nhà nghỉ giá khá cao, thường chỉ có khách hành hương lưu lại. Nếu đi du lịch, bạn nên ở khu vực chợ Châu Đốc, để tiện tới các điểm tham quan vào ban ngày cũng như vui chơi và ăn uống buổi tối.\

5. Đặc sản An Giang

  • Đến An Giang, du khách đừng quên thưởng thức các đặc sản chỉ ngon khi ăn tại địa phương như bún cá Châu Đốc, cháo bò Tri Tôn, gà nướng lá chúc Ô Thum, cơm tấm Long Xuyên, bánh bò thốt nốt, xôi Xiêm, gỏi sầu đâu, cơm nị cà púa của người Chăm...

  • Vào mùa nước nổi, rau đồng được xem là đặc sản của miền Tây, trong đó phải kể đến bông súng, bông điên điển, hẹ nước và rau nhút... Các loại rau thường được nấu canh chua, nhúng lẩu hay ăn sống với mắm kho, cá kho...

  • Đặc biệt, du khách chưa ăn cá linh thì coi như chưa đến vùng nước nổi An Giang. Cá linh non đầu mùa thì làm món nhúng giấm, cá linh cuối mùa đã lớn thì làm mắm.


6. Mua gì làm quà

  • Nếu mua đặc sản về làm quà, một số món dễ mang đi là đường thốt nốt, cốm dẹp, tung lò mò, các loại mắm cá, bánh phồng cá linh, bánh ngọt người Chăm, cà na đập, các món cá khô...

0 views0 comments

Recent Posts

See All
bottom of page